Phạm Thị Thu Hiền – CEO Công ty TNHH SX&TM Thủy Hải sản Quảng Ninh, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Các chính sách hỗ trợ là “trợ lực” giúp cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được những chính sách này.
Tôi là Phạm Thị Thu Hiền – CEO của Công ty TNHH SX&TM Thủy Hải sản Quảng Ninh.
Trước khi khởi nghiệp tôi là một cán bộ nghiên cứu nhà nước với vai trò Tư vấn và chuyển giao công nghệ các sản phẩm thực phẩm. Là một công chức, chỉ bận bịu trong đúng 8 tiếng đi làm, tôi vẫn có nhiều thời gian cho gia đình và công việc cũng không phải áp lực nhiều
Năm 2014, tôi bắu đầu khởi nghiệp, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ hải sản Quảng Ninh, đặc biệt là các sản phẩm từ Hàu được chế biến thành ruốc hàu và bánh phồng hàu. Sản phẩm đã tạo hiệu ứng tốt trên thị trường nội địa. Từ mức 2 tỷ đồng trong năm đầu tiên, doanh thu của Công ty đã vươn lên 30 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2019″.
Trên suốt hành trình khởi nghiệp của mình, tôi luôn ý thức được mình yếu và thiếu những gì, để liên tục tự bỏ kinh phí tham gia lớp đào tạo về CEO để quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Công ty TNHH SX&TM Thủy hải sản Quảng Ninh được biết đến không chỉ tại Quảng Ninh, mà còn trong ngành thực phẩm cả nước vì tiên phong trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm ăn liền cao cấp từ hải sản.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến công việc và thu nhập không phải chỉ với cá nhân tôi mà còn tất cả người dân và doanh nghiệp của Việt Nam. Việc hạn chế giao thương hàng hóa, thắt chặt chi tiêu, ngừng giao dịch giữa các quốc gia đã làm ảnh hưởng lớn đến tất cả các doanh nghiệp,
Kế hoạch tăng trưởng của công ty chúng tôi cũng phải chậm lại, tập trung giữ được tăng trưởng cũ cũng đã rất tốt rồi.
Từ thực tế những gì đã trải qua, tôi nhận thấy, các đơn vị khởi nghiệp nhìn chung đều thiếu về kiến thức và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, vì cơ bản các CEO đều chỉ mới học chuyên sâu về một ngành nghề. Trong khi công việc của một CEO đòi hỏi phải tổng hợp rất nhiều kiến thức. Để giúp đỡ được các đơn vị khởi nghiệp thì việc tạo ra các lớp học thật sự chất lượng cho các CEO khởi nghiệp là một hỗ trợ rất thiết thực.
Khó khăn thứ 2 các doanh nghiệp gặp phải là về vốn. Các đơn vị khởi nghiệp gần như là dùng tài sản cá nhân ra mới thế chấp và vay vốn được của ngân hàng. Nhưng không phải cá nhân nào cũng có tài sản để thế chấp, đặc biệt là các bạn trẻ.
Việt Nam có hình thành các quỹ đầu tư nhưng chưa thực sự hiệu quả. Để nhận được hỗ trợ thì thủ tục rất phức tạp và kinh phí hỗ trợ tương đối nhỏ. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng còn rất nhiều thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp nhỏ khó mà tiếp cận được.
Từ các khó khăn trên tôi muốn đề xuất nên có các hoạt động thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể:
– Có các lớp đào tạo về CEO, về quản trị sản xuất, bán hàng cho các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp.
– Hỗ trợ xúc tiến, giao thương, quảng bá thương hiệu, tạo ra các cộng đồng sinh hoạt gắn kết với nhau.
– Có các chính sách và quỹ hỗ trợ mà doanh nghiệp dễ tiếp cận được hơn